Kon Plông: 50 năm một chặng đường
Cách đây 50 năm, với khí thế tiến công cách mạng của đồng bào các dân tộc trong huyện cùng với phong trào đấu tranh cách mạng của chiến trường khu V, huyện Kon Plông đã hoàn toàn được giải phóng (12.10.1974 - 12.10.1924) - Đánh dấu một mốc son lịch sử của phong trào cách mạng ở bắc Tây Nguyên, kết nối với duyên hải miền Trung.
Kon Plông ngày ấy
Kon Plông có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, đã nhiều lần chia tách, hợp nhất rồi sáp nhập với nhiều tên gọi khác nhau, với vị trí chiến lược quan trọng đối với Kon Tum và Tây Nguyên, kết nối với duyên hải miền Trung; Nhân dân các dân tộc có truyền thống cách mạng yêu nước, đoàn kết, cần cù lao động, anh dũng, bất khuất trong chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính lâm thời tỉnh Kon Tum, tổ chức bộ máy chính quyền và đoàn thể ở làng, xã, lực lượng vũ trang, dân quân du kích các làng xã trong huyện đã từng bước được thành lập. Đến đầu năm 1950, Ban Cán sự Đảng huyện Kon Plông được thành lập trực tiếp lãnh đạo Nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; trong quân đội xây dựng lực lượng các thứ quân; hướng dẫn Nhân dân phòng gian bảo mật; thực hiện “3 không” - không nghe, không thấy, không biết và “3 phòng” - phòng gian, phòng gián điệp, phòng tai nạn; lãnh đạo Nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, thực dân Pháp buộc phải ký hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Với âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, đế quốc Mỹ đã phá hoại Hiệp định, gạt Pháp, dựng lên ở miền Nam chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Tháng 9/1954, Mỹ - Diệm bắt đầu tiếp quản Kon Tum. Chúng đưa lính ngụy vào đóng tại các đồn Măng Đen, Kon Plông, Măng Bút…. ngày đêm lùng sục, càn quét, bắt bớ, tra khảo, đánh đập, giết hại, thủ tiêu, tàn sát những người Cộng sản. Chúng đã dùng biện pháp ly khai Cộng sản với Nhân dân, tách Đảng khỏi dân để dễ bề tiêu diệt Cộng sản. Để đảm bảo hoạt động bí mật cho cán bộ cách mạng, cuối năm 1956 Tỉnh uỷ Kon Tum tổ chức phân vùng hoạt động các huyện và đặt mật danh mới cho tiện việc chỉ đạo. Kon Plông được chia thành 02 mật danh H16 và H29 (huyện Kon Plông ngày nay). Thủ đoạn của địch cũng không tách được Đảng khỏi dân, mà càng làm cho dân thêm căm thù, sẵn sàng hy sinh bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ. Nhân dân đã có hành động chống trả tự phát: giết gián điệp, di chuyển lúa gạo, tài sản vào rừng, vào nơi bí mật để tránh sự càn quét của địch; cắm chông, cài bẫy quanh làng, quanh rừng, tiếp tục tăng gia phát triển sản xuất…
Giữa tháng 02 năm 1960, chúng đưa quân đánh vào căn cứ H29, đốt phá nhà cửa, cướp bóc tài sản, lương thực của Nhân dân, truy tìm cơ sở, bắt giết cán bộ của ta. Đồng chí Đinh Gió, người ở làng Nước Chè, xã Đắk Xlò (nay Ngọk Tem) bị địch bắt, tra tấn, đánh đập dã man và bị giết, nhưng quyết không khai cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng, đồng chí từng tuyên bố “Tao là Cộng sản đây. Chúng bay bắn tao, tao được chết vì dân tộc, vì đất nước…”. Chúng đã càn quét các vùng căn cứ nhằm cắt đường chi viện từ đồng bằng duyên hải Quảng Nam, Quảng Ngãi … lên Tây Nguyên và Kon Tum. H29 trở thành một trong những trọng điểm các trận càn ác liệt của Mỹ - Ngụy. Có những cuộc càn quét quy mô lớn, chà đi xát lại nhiều lần những nơi chúng nghi có cán bộ, cơ sở kháng chiến, gây nhiều tổn thất về tính mạng, tài sản của Nhân dân. Chúng đã dồn dân vào ấp chiến lược, đưa dân vào các trại tập trung, tách lực lượng cách mạng ra khỏi Nhân dân; tăng cường hoạt động gián điệp vào cơ sở H29 để phá hoại cách mạng.
Thực hiện chủ trương đánh địch bằng cả ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh địch vận), Đảng bộ H29 củng cố tổ chức Đảng, lãnh đạo các lực lượng bộ đội địa phương, du kích xã phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh, bộ đội chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên (B3) chống các cuộc càn quét; tấn công tiêu diệt hệ thống đồn bốt ở các cứ điểm ở Măng Búk, Măng Đen, Kon Plông, … cài cắm cán bộ, đảng viên, quần chúng trung kiên đột nhập sâu vào vùng địch kiểm soát, các ấp chiến lược để tuyên truyền đường lối, chính sách của cách mạng, kêu gọi Nhân dân phá kìm kẹp, trở về làng cũ, kêu gọi binh sĩ ngụy cùng gia đình họ nổi dậy...làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai.
Giữa năm 1965 đến hết năm 1968, đế quốc Mỹ sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu tiêu diệt bộ đội chủ lực ta; dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định, kìm kẹp Nhân dân. Chúng tiến hành rải chất độc hóa học, triển khai các cuộc càn quét lớn, dài ngày, đánh phá vào căn cứ của ta. Thực hiện chủ trương “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” và cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào dịp tết Mậu Thân (năm 1968), quân và dân huyện H29 có nhiệm vụ tác chiến phối hợp và làm hậu cứ; tăng cường sức người, sức của chi viện cho các nơi khác nổi dậy.
Từ năm 1969 -1972, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, là “dùng người Việt đánh người Việt”. Địch dùng biện pháp lôi kéo, bắt, ép, dồn người dân vào các ấp chiến lược; cài cắm tề điệp vào vùng căn cứ của ta để thu thập tin tức. Trong các trận càn, địch tàn sát dã man cả dân thường, đốt phá nhà cửa, cướp bóc tài sản của đồng bào, nhất là các vùng quanh cứ điểm Măng Bút, Măng Đen. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị chống địch “bình định nông thôn”, Huyện ủy H29 đã xác định nhiệm vụ “đẩy mạnh đánh địch, diệt ác phá kìm kẹp, giành dân, làm chủ”. Tại Măng Đen, Măng Búk, các đội công tác và an ninh vũ trang của ta đột nhập cứ điểm của địch để tuyên truyền, diệt ác, trừ gian, treo cờ, rải truyền đơn, gọi hàng làm lung lay tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền.

Bước sang năm 1974, trên chiến trường Tây Nguyên, Kon Tum, huyện H29 địch vào thế phòng ngự. Toàn bộ binh lực địch co cụm phòng giữ 02 cứ điểm Măng Đen, Măng Búk. Chúng phân chia lực lượng đóng giữ sân bay Măng Đen, Măng Búk, xây chốt phòng giữ quận lỵ Chương Nghĩa (Măng Đen ngày nay), quận lỵ Măng Búk và tiếp tục củng cố bộ máy ngụy quyền ở hai quận lỵ này. Nhận định tình hình của địch, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện H29, quân ta đánh địch bằng 3 mũi giáp công: vũ trang, chính trị, binh địch vận. Mục tiêu chính là 2 cứ điểm: Măng Đen, Măng Búk. Từ ngày 11/6/1974, tại Măng Búk, các lực lượng áp sát vào khu vực quận lỵ, tiêu diệt các chốt vòng ngoài, dùng loa gọi hàng và tung truyền đơn vào bên trong, tạo thế bao vây uy hiếp địch. Từ ngày 15 đến ngày 20/8/1974, lực lượng ta từ các hướng đồng loạt tấn công vào khu trung tâm các đồn, chốt của địch. Sau hơn hai tháng tấn công quyết liệt, đến chiều ngày 20/8/1974, chi khu quận lỵ Măng Búk được giải phóng hoàn toàn. Ngày 03-10-1974, tại Măng Đen lực lượng vũ trang huyện H29 cùng với lực lượng H16, bộ đội chủ lực Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) và một số binh chủng kỹ thuật nổ súng tấn công tiêu diệt cứ điểm nằm phía tây của hệ thống phòng ngự Măng Đen (M11); bao vây tấn công tiêu diệt lần lượt từng cứ điểm trong cụm cứ điểm Măng Đen. Với quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, sau gần một ngày chiến đấu quyết liệt, lực lượng quân giải phóng đã đè bẹp mọi sự kháng cự của địch, chiếm lĩnh và làm chủ hoàn toàn cứ điểm Măng Đen. Sau 9 ngày liên tục chiến đấu, đến ngày 12-10-1974, quân ta đã làm chủ chi khu Măng Đen, bắt sống Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Bảo an và 254 ngụy, trong đó có tên trung tá chỉ huy trưởng và 25 sĩ quan của địch, ta thu 539 khẩu súng, hai khẩu pháo 105 ly, 33 máy vô tuyến điện, giải phóng hơn 2.000 dân ở đây.
Chiến thắng Măng Đen, Măng Bút vang dội, giải phóng hoàn toàn huyện H29 (12/10/1974), thể hiện ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân huyện Kon Plông, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của lực lượng vũ trang và phong trào cách mạng của Nhân dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là nghệ thuật đánh địch bằng 3 mũi giáp công: vũ trang, chính trị, binh địch vận; sự phối hợp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tích cực của quân và dân huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi, huyện H16 - Kon Tum lúc bấy giờ và các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Tỉnh uỷ Kon Tum.
Măng Đen ngày nay
Năm mươi năm sau Ngày giải phóng, chặng đường Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Kon Plông đã trải qua thật vô vàn gian khó. Bước ra từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh, cuộc chiến chống lại đói nghèo, lạc hậu, mù chữ, bệnh tật, chống âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch cũng là cuộc chiến không kém phần cam go, thử thách. Kế thừa truyền thống đoàn kết, sáng tạo, khí phách anh hùng trong kháng chiến, Đảng bộ, quân, dân huyện Kon Plông đã nỗ lực vượt qua tất cả, vững bước đi lên. Đặc biệt là sau ngày tái lập huyện (năm 2002) đến nay, huyện nhà đã giành được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày một nâng lên; sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế được chú trọng đầu tư phát triển; kết cấu hạ tầng về điện, đường, trường, trạm …đầu tư đúng mức, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang; phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng được Nhân dân hưởng ứng tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm; an ninh luôn được giữ vững. Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen được tỉnh xác định là 1 trong 2 vùng kinh tế động lực; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 298/QĐ-TTg, ngày 05/02/2013 về “Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030”.

Năm mươi năm đã đi qua, những thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân giành được là vô cùng to lớn. Kon Plông đang từng ngày thay da đổi thịt, cuộc sống con người cùng cảnh sắc quê hương ngày thêm tươi mới. Nhưng có một sự thật cần nghiêm túc nhìn nhận: huyện Kon Plông còn nghèo, đời sống người dân vẫn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (hơn 22,38%; hộ cận nghèo 9,15%). Chúng ta phải hành động, trong mỗi hành động, việc làm của chúng ta hôm nay, không chỉ vì hiện tại, vì tương lai mai sau. Hãy truyền lại cho mai sau, những chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để các thế hệ hôm nay và mai sau không lãng quên quá khứ hào hùng của dân tộc, để bước vững chắc trong việc thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; xây dựng huyện Kon Plông ổn định, phát triển bền vững”.
Bài, ảnh: Võ Kim Thạch
ảnh:
1/ Thị trấn Măng Đen hôm nay
2/ Quang cảnh Lễ kỷ niệm 50 chiến thắng Măng Bút
3/ Đồng chí Bí thư Huyện uỷ và Chủ tịch UBND huyện biểu dương và khen thưởng các khu dân cư tiêu biểu trong cộng đồng dân cư