image banner
Những câu chuyện hay vầ Quân đội nhân dân Việt Nam

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), nhân dịp này cá nhân đang đọc tập sách “Bác Hồ với quân đội nhân dân Việt Nam” của Hà Minh Hồng (chủ biên), do nhà xuất bản trẻ phát hành năm 2023. Tôi sưu tập và ghi lại vài mẫu chuyện nhỏ về Bác Hồ với quân đội nhân dân Việt Nam, trân trọng xin giới thiệu cùng bạn đọc, qua từng câu chuyện giúp cho quý vị có thêm niềm tin, niềm tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ đội Cụ Hồ.

Câu chuyện thứ nhất: Việt Nam tiểu tổ chức du kích cứu quốc.

Ngày 28 tháng 01 năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và truyền bá con đường cách mạng vô sản vào Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Sau khi về nước một thời gian, với tư cách là đại biểu Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, quyết định thành lập Việt Minh độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh; để ra việc tổ chức Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc - “một tổ chức quân sự cao hơn tự vệ đội và thấp hơn du kích chính thức” với mục đích: “(1) Bảo vệ và giải vây cho các chiến sĩ cách mạng và giữ gìn các cơ quan cách mạng. (2) Phụ lực và giúp đở cho đội du kích chính thức trong lúc hành quân và giao chiến với quân thù. (3) Phá phách các cơ quan vận tải lương thực và khí giới của quân thù. (4) Biến chuyển thành đội du kích chính thức để đấu tranh đánh đổ Pháp, Nhật làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”[1].

Tổ chức của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc có hệ thống theo mỗi đoàn thể cứu quốc của Việt Minh; có các “tiểu tổ đội trưởng” hoặc “liên tiểu đội trưởng, phó liên đội và một phó ủy viên chính trị” chỉ huy; đội viên của tổ tiểu đội du kích “khi có việc thì hợp nhau lại hành động, xong việc giải tán, ai về nhà nấy sinh hoạt như thường dân”[2]. Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc quy định điều kiện kết nạp hội viên, trách nhiệm của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc, chế độ luyện tập, chế độ võ khí và chế độ kỷ luật. Cuối bản điều lệ ghi chú ý “Mỗi đội viên gia nhập tiểu tổ và tổ trưởng giơ nấm tay phải lên tuyên thề: Tôi tên là (bí danh) xin tuyên thệ hết sức trung thành với tiểu tổ và Tổ quốc, hăng hái chiến đấu cho Tổ quốc và giữ bí mật cho tiểu tổ. Nếu phạm lỗi xin trừng phạt”[3].

Câu chuyện thứ hai: Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

          Tháng 10/1944, trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc”, lãnh tụ Hồ Chí Minh viết “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa.Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”[4]. Tháng 12/1944, trên cơ sở lực lượng chính trị của cách mạng đã phát triển mạnh và lực lượng vũ tranh nhân dân đang hình thành, Người ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân:

          “1. Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao-Bắc-Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.

          Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đở về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đở huấn luyện, giúp đở vũ khí nếu có thể được, làm cho đội quân này trưởng thành mãi lên.

          2. Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.

          3. Về chiến thuật: vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung.

          Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác.

          Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”[5].

          Ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay thuộc xã Cẩm lý, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm đã tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 người (31 nam, 3 nữ), biên chế thành 3 tiểu đội do ông Hoàng Sâm làm Đội trưởng và ông Xích Thắng làm Chính trị viên. Dưới là cờ đỏ sao vàng, toàn đội tuyên đọc Mười lời thề danh dự về lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, tinh thần hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết tiêu duyệt quân thù cướp nước, hết lòng hết dạ phục vụ Nhân dân.

          Trước ngày thành lập, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị: “ Trong 1 tháng phải  phải có hoạt động, gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội” và đặc biêt “trận đầu ra quân phải đánh thắng”[6].

          Do đó, Ban chỉ huy dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên. Hàng loạt vấn đề được đặt ra mà quan trọng nhất: đánh vào đâu và đánh như thế nào để với một lực lượng nhỏ lại có thể giành thắng lợi to lớn về chính trị và quân sự mà ta ít bị tổn thất. Sau khi bàn bạc và cân nhắc kỹ các phương án, Ban chỉ huy đội quyết định là trong mấy trận đầu phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược.

          Chiều ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyện Giải phóng quân cải trang thành một toán lính dõng, mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (thuộc xã Tam Lộng, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và hôm sau, ngày 26/12/1944, đột nhập đồn Nà Ngần (thuộc xã Cảm Lý, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) chiếm hai đồn địch, khiến toàn bộ binh lính địch đầu hàng, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

          Hai trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gây tiếng vang mạnh mẽ, làm nức lòng nhân dân, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân ta.

Câu chuyện thứ ba: Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”.

“Bộ đội Cụ Hồ” là tên gọi của Nhân dân dành cho “Bộ đội”- những thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam được “Cụ Hồ” giáo dục, rèn luyện đã không quản huy sinh, gian khổ, chiến đáu dũng cảm, đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ Nhân dân.

Nguồn gốc của tên này, theo ký ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ sau khi thành lập Khu giải phóng Việt Bắc (tháng 6/1945), đồng bào các dân tộc gọi lãnh tụ kính yêu là “Ông Ké”, “Ông Cụ” một cách trân trọng và gọi các đơn vị vũ trang cách mạng là “Bộ đội Ông Ké”, “Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương. Sau đó, khi biết tên “Ông Cụ”, “Ông Ké” là Hồ Chí Minh - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng bào gọi là “Cụ Hồ” và “Bộ đội Cụ Hồ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ, là hình ảnh tiêu biểu của những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam - Người chăm lo cho quân đội, mỗi bước trưởng thành và chiến thắng của quân đội đều gắn với sự nghiệp giáo dục và rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thực hiện xuất sắc những lời dạy của Người, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Nhân dân. Nhân dân đã đem hai biểu tượng cao nhất của lòng kính trọng, yêu thương, tin cậy đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh và đội quan do Người tổ chức, rèn luyện để sáng tạo nên một biểu tượng độc đáo về người quân nhân cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Không có quốc gia nào trên thế giới lấy tên lãnh đạo đặt danh hiệu cho quân đội của mình như thế; cũng không có quân đội của dân tộc nào trên thế giới được nhân dân gọi gần gũi như vậy. Đây là hiện tượng độc đáo cả trong lịch sử - văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng và lịch sử - văn hóa quân sự thế giới nói chung - khi chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh hiện thân sức mạnh của một quân đội trong thời hiện đại.

Chỉ bốn từ “Bộ đội Cụ Hồ” đã thể hiện rõ những giá trị văn hóa riêng, hàm chứa cả tình cảm sâu sắc, sự tin tưởng của Nhân dân đối với quân đội. Đó vừa là danh hiệu cao quý, vinh dự lớn lao, vừa là phẩm chất đặc biệt của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

          Câu chuyện thứ tư: Bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám lấy dân.

          Vì chỗ dựa vững chắc của quân đội là Nhân dân, cho nên “trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng có vinh dự của người chiến sĩ”[7].

          Ngày 13/7/1952, trong “Bài nói tại Hội nghị Chiến tranh du kích”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi. Muốn thế phải bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục Nhân dân”[8].

          Muốn được dân tin, dân mến, quân đội phải sẳn sàng và tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân, bảo vệ Nhân dân. Trong bài “Quân đội nhân dân” , Người viết “Quân đội ta là quân đội của Nhân dân. Trong kháng chiến, quân đội thi đua giết giặc, để bảo vệ Nhân dân. Hòa bình trở lại, quân đội vừa lo học tập, vừa ra sức giúp Nhân dân trong mọi việc…Nói tóm lai: Vì bộ đội luôn luôn ra sức phục vụ Nhân dân, cho nên Nhân dân yêu thương bộ đội như con em ruột của mình”[9].

Câu chuyện thứ năm: “ Bác đang cùng chúng cháu hành quân”.

Nhạc sĩ Huy Thục kể rằng “Bác mất, cả đất trời thấm đẩm nước mắt. Khoác ba lô vào Quảng trị, tôi nhận ra anh em chiến sĩ ngoài mặt trận đã vượt lên đau thương, hướng chắc tay súng. Ý chí chiến đấu đó khơi dậy trong tôi cảm hứng sáng tác Bác đang cùng chúng cháu hành quân…Tôi đã gặp những chiến sĩ trẻ trên trận địa pháo, tên lửa, ngày đêm hướng nòng súng về phía quân thù; gặp những cô gái thanh niên xung phong không quản đạn bom, san lấp mặt đường để từng đoàn xe nối nhau ra trận; đi tới sông Gianh, vẫn thấy trùng trùng những đoàn dân công tiếp lương, tải đạn; gặp đồng bào Pa Cô – Vân Kiều,… tất cả đều tỏ quyết tâm giải phóng miền Nam, quyết tâm thực hiện di chúc thiêng liêng của Bác. Chúng tôi, trong tâm khảm vẫn cảm thấy Bác Hồ chưa đi xa. Người vẫn ở bên và dẫn dắt chúng ta đến thắng lợi cuối cùng là độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà”. Cảm xúc ấy dân trào mãnh liệt, hòa cùng ca từ, nốt nhạc.

“Năm xưa Bác cùng đoàn con đi chiến dịch.

Núi rừng vẫn nhớ, suối vẫn in bóng hình của Bác.

Cả đoàn quân tiến theo Người như thác đổ.

Điện Biên năm nào vọng lời Bác giữa chiến hào.

Toàn quân hôm nay vẫn phất cao cờ đỏ Bác trao.

Đi ta đi giải phóng miền Nam,

Khi quê hương nhà vẫn còn bóng quân xâm lược thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi.

Lời Bác thúc giục chúng ta,

Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân”.  

Ngày 26/3/1970, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức phát sóng Bác đang cùng chúng cháu hành quân. Âm hưởng hung hồn, truyền cảm của ca khúc nhanh chóng có sức lan tỏa mãnh liệt, là lời động viên khích lệ cho tinh thần các chiến sĩ ngoài chiến trường, với tình yêu quê hương, yêu đất nước cũng như lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ - Người cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Người sưu tập: Võ Kim Thạch.



[1] Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr160.

[2] Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr161.

[3] Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr162.

 

[4] In trong sách Văn kiện Đảng (từ ngày 25/1/1939 đến 2/9/1945), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963, tr.447.

[5] In trong sách Văn kiện Đảng (từ ngày 25/1/1939 đến 2/9/1945), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963, tr.459-460.

[6] http//pacbo.vn/vi/news/thongtin/nhun thuộc xã Tam Lộng, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) g-chien-thang-dau-tien-cua-doi-viet-nam-tuyen-truyen-giai-phong-quan-tien-than-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-189.html.

[7] Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, t.1, tr 236.

[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7. tr.448.

[9] Báo Nhân dân, số 661, ngày 24/12/1975.


Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0